Mực xà

Mực xà

Còn gọi là mực ma, mực xà đại dương. Có nhiều tên trong tiếng Anh Purpleback Flying-Squid, Large Purpleback Flying-Squid, Luminous Purpleback Flying-Squid, tên khoa học Symplectoteuthis oulaniensis.

Mực xà nguyên liệu

Thân hình ống, dài 25 cm, đường kính 8 cm, vây thịt rộng. Thân màu nâu đỏ có sọc rộng màu tím giữa lưng, có 8 tua dài 12 cm, 2 tua 32 cm.

Mực xà sống ở độ sâu trên 800 mét nước, ngư trường thường cách bờ trên 150 hải lý. Mùa vụ chính từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 9 năm sau. Những tỉnh khai thác mực xà bằng nghề này tập trung ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi …

Thuyền câu mực

Mực xà được đánh bắt bằng phương pháp câu tay. Một thuyền lớn chở theo các thuyền thúng và người câu ra đến ngư trường. Thuyền lớn thả các người câu trên thúng câu vào cuối giờ chiều hôm trước và đón lại lên thuyền vào sáng sớm hôm sau. Tùy theo mã lực tàu mà bố trí số người câu và số lượng ngày câu trên biển, có khi đến vài tháng.

Mực xà khô

Mực xà câu được mỗi buổi sáng được xẻ và phơi ngay trên thuyền. Thuyền câu mực có trang bị giàn phơi, thường có hai tầng. Mực được treo trên giàn đến khi khô mất từ hai đến ba ngày.

Mực xà sau khi phơi có màu đen, mùi hăng hơi khó chịu và vị đắng, có phấn trắng. Mực được đóng trong các bao PP. Mực được bán chủ yếu cho Trung hoa qua đường tiểu ngạch ở biên giới phía bắc. Một ít bán cho Thái lan. Khách hàng mua có kỹ thuật tẩy trắng mực sau khi mua và dùng chủ yếu để nấu lấy nước mực trong các món ăn của người Hoa.

Mực xà trắng có giá trị cao hơn

Một dạng thành phẩm có giá cao hơn cũng được mua bán trên thế giới, nhưng đòi hỏi phải xử lý và chế biến cao hơn để có chất lượng tốt. Đây là hướng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nghề câu mực xà rất nguy hiểm nhưng cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt hàng này cần được nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật chế biến, cũng như điều tra về trữ lượng và ngư trường.

Leave a comment

  • Biển và Người

    Bienvanguoi.wordpress.com 2011-2017 All Rights Reserved

    Founder: Ha Vinh Minh, Editor-in-chief: Doan Hoa